Nửa tháng trước, tôi đăng ký tham gia thử thách Viết Đều và Hay cùng cộng đồng alumni khóa Writing on The Net. Vào buổi tối trước ngày chúng tôi gặp mặt lần đầu tiên, tôi suy ngẫm về định nghĩa của “viết hay”.
Thế nào là viết hay?
Trong lúc đang nghĩ ngợi về điều này, thuật toán Youtube đưa tôi đến podcast Have A Sip tập thứ 164 với cô Mỹ Linh. Tôi nhấn vào nghe. Tập podcast chuyển tới phân đoạn host Thùy Minh và cô Mỹ Linh trò chuyện về việc sáng tạo.
Host Thùy Minh hỏi: “Làm thế nào mà âm nhạc của chị lại timeless, lại vượt thời gian như vậy?”
Cô Mỹ Linh trả lời:
“Để biết chắc là âm nhạc mình sẽ thế nào thì ghê gớm quá, nhưng mình cũng có thể rút ra một “công thức” cho những người muốn đi bền vững. Đó là mình phải chân thực với những điều mình làm. Đó là cái đầu tiên và tiên quyết để biết rằng mình đi được bao lâu. Vì ở sự chân thực có vẻ đẹp của sự vững bền.
Nhưng sự chân thực đó phải có chất lượng. Mình phải hết lòng với những gì mình làm, và nó phải có chất lượng.”
Nghe tới đoạn này, tôi ưng ngay! Sao mà hợp lý thế!
Trong sáng tạo, quan trọng nhất là chân thực và chất lượng.
Sau một thời gian thử nghiệm viết lách, “công thức” của cô Mỹ Linh cũng khá gần với trải nghiệm của tôi.
Để viết hay, cần viết một cách chân thực và chất lượng.
Trong bài này, tôi sẽ “đứng trên vai người khổng lồ” Mỹ Linh để chia sẻ ý hiểu của mình về sự chân thực và chất lượng trong chuyện viết.
Chân thực là gì?
Ai cũng có thể mường tượng ra cảm giác của sự chân thực trong quá trình viết lách.
Suy ngẫm sâu hơn về “chân thực”, khái niệm của nó có thể được bẻ nhỏ ra thành 3 phần:
Mong muốn chân thực được viết về điều gì đó
Tư liệu viết chân thực
Giá trị chân thực - trước hết dành cho người viết, sau đó cho độc giả
Sự chân thực mà chúng ta cảm nhận từ câu chữ, suy cho cùng, được tạo nên từ sự gắn kết và tương giao của những điều này.
(1) Mong muốn chân thực được viết
Mong muốn chân thực là khi người viết thật sự tò mò về điều gì đó, thật sự cảm thấy thôi thúc được viết về nó.
Là khi chủ đề viết được khơi nguồn từ nội tâm của tác giả. Từ những tò mò và đam mê chân thực. Từ những câu hỏi thực lòng của tác giả với bản thân và cuộc đời.
Chỉ khi đó, họ mới có đủ tò mò, đam mê và kiên nhẫn để đi tìm tư liệu thật sự có giá trị cho chủ đề mình muốn viết.
Chủ ý viết nên được bắt đầu từ người viết trước tiên, chứ không nên bắt nguồn từ những giả định về mong muốn của độc giả.
Khi người viết đặt mong muốn được viết ở những giả định về hứng thú của độc giả, việc viết sẽ trở thành một-cố-gắng-để-làm-hài-lòng-người-khác.
Rồi người viết sẽ dễ nản lòng. Dễ cảm thấy những gì mình viết là không đủ, là chưa hay. Vì làm gì có sự đủ đầy trong việc tìm sự công nhận, sự hài lòng từ người khác?
Dù sao, viết cho độc giả, chưa chắc độc giả sẽ thích.
Quan tâm tới độc giả không có gì sai, ở đây, tôi chỉ muốn nói về khởi nguồn của mong muốn. Mong muốn được viết về điều gì đó, tốt hơn hết, là được khởi nguồn từ tâm can.
Người viết chỉ cần thực sự quan tâm về chủ đề mình viết - bắt đầu từ đó là đủ.
Rồi viết chủ đề đó thế nào, thì đó là câu chuyện đi tìm tư liệu viết.
(2) Tư liệu viết chân thực
Tư liệu chân thực là những tư liệu cho chúng ta cảm giác: à, ra là thế.
Dù đây là những tư liệu học thuật hay chiêm nghiệm, phản tư.
Là những tư liệu cho chúng ta thấy những âm ỉ bên trong mình được sáng tỏ, cho chúng ta khả năng diễn tả hiện thực khó nói của bản thân bằng câu chữ.
Một khó khăn của người viết không phải là thiếu chủ đề, mà là thiếu tư liệu để phát triển chủ đề thành câu chữ trọn vẹn.
Chúng ta có một chủ đề hay, nhưng khi đặt bút, những câu chữ của chính bản thân lại cho chúng ta nhìn thấy sự dở dang trong cảm nhận và suy nghĩ của mình về chủ đề này.
Đó là vì chúng ta thiếu tư liệu chân thực về những chủ đề đó.
Khi gặp khó khăn này, người viết có thể quay về với sự chân thực trong tâm can, rồi đi tìm những tư liệu làm sáng tỏ những âm ỉ trong tâm can mình. Khi đó, người viết sẽ lại có đủ tư liệu cho chủ đề mình muốn viết.
Khi một chủ đề được viết bằng những tư liệu chân thực, thì tự khắc sự chân thực sẽ được cảm nhận qua câu chữ. Bởi,
sự chân thực là những câu chữ chất chứa đầy tư liệu - words filled with substance.
(3) Giá trị chân thực của một bài viết
Cho người viết
Một bài viết chân thực là khi nó được viết ra, trước khi nó mang lại giá trị cho độc giả, thì nó mang lại giá trị cho người viết trước tiên.
Một khái niệm tôi khá ưng từ khóa Writing on The Net của MỞ là khái niệm “Bài test 2 năm”: Điều bạn đang viết có giúp bạn của 2 năm về trước hay không?
Thời gian “2 năm” này cũng có thể là 2 tháng, 2 tuần hay thậm chí là vài ngày. Cốt lõi ở đây là, liệu điều mình đang viết có thật sự có giá trị với bản thân mình hay không? Dù đó là giá trị về chiêm nghiệm cuộc sống, về nghiên cứu học thuật, hay để xử lý một loại cảm xúc nào đó.
Căn bản là, một bài viết có giá trị chân thực là khi nó có giá trị cho bản thân người viết.
Cho độc giả
Tôi tin vào việc chỉ cần một bài viết có giá trị cho bản thân người viết, thì nó cũng sẽ có giá trị cho người khác.
Mượn lời của
từ Hex’s Newsletter trong một bài viết về sự thành thật:Một nhà văn thành thật là người ngồi xuống nói ra cẩn thận sự thật họ đã cảm thấy, khác với người đọc chỉ có thể ‘claim’ khi có người khác nói ra hộ mình.
Đầy chuyện bạn không thể hay không dám thành thật, chỉ có thể chờ đợi người khác tả hộ, mới cảm thấy vốn hiểu biết của mình được lấp đầy thêm. Đầy thứ trước kia chỉ là suy nghĩ âm ỉ, sau này vang vọng khắp thế gian bởi có ai đó đã nói thật về nó, rồi mọi người cùng thừa nhận rằng họ cũng cảm thấy như vậy.
Thế nên, thực sự rất đơn giản, nếu bạn có thể thành thật tới mức mọi người cảm nhận được rõ ràng lời bạn nói, sự thành thật về suy nghĩ của bạn có thể ngay lập tức làm bùng lên tiếng hò reo “đúng, tôi cũng cảm thấy như vậy” bởi một nhóm có kích thước khó dự đoán.
Tôi thích đọc sách từ những tác giả được công nhận là “thành thật trong sáng tác”, để được thấy họ thành thật về một cảm nhận hay góc nhìn gì đó rất sâu sắc. Các chia sẻ này giúp những âm ỉ bên trong tôi phần nào được sáng tỏ bởi có một cá thể đồng loại nào đó vừa đưa ra gợi ý thành thật của họ để bạn tham khảo.
Với tôi, đây chính là giá trị của việc viết chân thực. Chỉ cần những gì mình viết là chân thực, thì dù chủ đề đó có đặc thù đến mấy, thì nó cũng đáng để viết về.
Có thể lượng người đọc về các chủ đề đặc thù không nhiều, nhưng khi người viết viết về những gì mình thực sự quan tâm, họ tạo ra không gian để những người có cùng đam mê, có cùng các câu hỏi kết nối với nhau.
Viết là giao tiếp. Vậy, chẳng phải, vẻ đẹp của giao tiếp là khi tâm trí con người được tương giao, và từ đó nảy sinh ra hàng ngàn ý tưởng và hội thoại hay sao? Chẳng phải vẻ đẹp của giao tiếp là để không ai cảm thấy cô độc trong những trải nghiệm, những trăn trở, những đam mê chân thực của mình?
Vậy nên, người viết cũng không phải sợ những chủ đề của mình không được đón nhận. Có thể lúc đầu, lượng người quan tâm về những gì mình viết không nhiều. Nhưng khi người viết kiên trì với sự chân thực trong những chia sẻ của bản thân, thì dần dần, người khác sẽ tìm thấy họ.
Ai rồi cũng sẽ có chỗ của mình.
Có lẽ, đây là “vẻ đẹp bền vững của sự chân thực” cô Mỹ Linh nói về. Ở sự chân thực có một vẻ đẹp của sự vững chãi, của sự đáng tin cậy. Tôi viết những điều chân thực, và bạn có thể tìm thấy chân thực của bạn ở tôi.
Vậy nên, người viết hãy cứ viết với tất cả sự thành thật. Rồi việc mình đóng gói những chân thực của mình như thế nào, thì đó là câu chuyện của chất lượng.
Khi chân thực đi kèm với chất lượng
Trong chuyện viết, sự chân thực là hằng số, còn chất lượng thì có thể được cải thiện hàng ngày. Vậy, chất lượng là gì?
Chất lượng là khi người viết giao tiếp những chân thực của mình một cách có chủ ý tới người đọc.
Chất lượng là việc gói ghém sự chân thực để nó dễ tiếp cận, dễ gần và dễ chịu hơn.
Để làm được điều này, có một số yếu tố người viết có thể chăm chút để cải thiện chất lượng bài viết của mình:
Lựa chọn câu từ có chủ ý
Xây dựng mạch bài liên kết
Trình bày đẹp mắt
v.v.
Ý chính ở đây là, chất lượng là việc đóng gói những tư liệu viết.
Mỗi người sẽ có định nghĩa riêng về việc một bài viết chất lượng là như thế nào.
Những tiêu chí về chất lượng sẽ thay đổi với người viết qua từng bài, từng câu. Thế nào là chất lượng, thì có lẽ cá nhân người viết tự trải nghiệm rồi đúc kết cho bản thân.
Tóm lại…
… “viết hay” có thể là một quá trình:
(1) Viết bằng sự chân thực, rồi → (2) đóng gói nó bằng chất lượng
Sự chân thực mà không đi kèm với chất lượng, thì chỉ là viết cho bản thân. Nếu đây là chủ ý của người viết thì cũng không sao. Nhưng nếu người viết muốn truyền tải được câu chuyện của mình tới người khác, thì người viết cũng cần đóng gói sự chân thực của mình bằng chất lượng.
Mặt khác, nếu người viết quá tập trung vào chất lượng mà quên đi sự chân thực, thì những câu chữ viết ra cũng chỉ là vỏ rỗng. Là những câu chữ sinh ra không phải để đưa cái hồn, cái tâm hay cái đầu của tác giả tới người đọc, mà chỉ là một sự cố gắng làm hài lòng người lạ mà thôi.
Trong chuyện viết, cả chân thực và chất lượng đều là cho bản thân người viết và độc giả.
Đóng gói sự chân thực bằng chất lượng là trách nhiệm của người viết với bản thân, để người viết vừa được nhìn thấy bản thân trong câu chữ của mình, vừa được tự hào vì mình đã cố gắng.
Nó cũng là trách nghiệm của người viết với độc giả, để tạo cơ hội cho người khác nhìn thấy bản thân trong câu chữ của mình - một cách dễ tiếp cận, dễ gần và dễ chịu.
—
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Nhà văn chân-chất là đây 😌
👏🏼👏🏼👏🏼👏🏼👏🏼