Quan hệ giới qua các triều đại phong kiến
Hệ tư tưởng giới Nho giáo, cấu trúc quan hệ giới cấp bậc và chủ quyền của phụ nữ tại địa phương
Gần đây, được sự giới thiệu của em Thái Hà (
), tôi có dịp đọc một cuốn sách về lịch sử quan hệ giới (gender relations) mang tựa đề Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463-1778 (tạm dịch: Gia sản Gia tộc: Giới tính, Nhà nước và Xã Hội Việt Nam thời Cận đại, 1463-1778) của Nhung Tuyết Trần - Phó Giáo sư tại Đại học Toronto, chuyên về lịch sử Trung Hoa, lịch sử giới và xã hội Đông Nam Á. Bà quan tâm và nghiên cứu về chủ đề giới tính, pháp luật và tôn giáo trong bối cảnh Đông Nam Á. (1) (2)Cuốn Gia sản Gia tộc: Giới tính, Nhà nước và Xã Hội Việt Nam thời Cận đại, 1463-1778 là công trình đầu tiên nghiên cứu hoàn thiện về lịch sử quan hệ giới Việt Nam thời cận đại. Công trình này tìm tòi và đào sâu những quan niệm và hệ thống giới trong sự cấu thành nên Việt Nam phong kiến, quan hệ trung ương-địa phương phức tạp và vị thế của người phụ nữ trong những quá trình xã hội-chính trị chằng néo thời bấy giờ.
Dù tên gọi “Việt Nam” lần đầu chính thức trở thành quốc hiệu vào năm 1804 dưới triều Nguyễn, trong bài viết này, tôi sử dụng tên gọi “Việt Nam” để chỉ vùng địa lý nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử và yếu tố cấu thành nhà nước Việt Nam phong kiến và hệ thống giới đặc trưng qua các thời kỳ, được ghi chép và phân tích trong công trình nghiên cứu của PGS. Nhung Tuyết Trần. (3)
Với mong muốn được hiểu hơn về phụ nữ Việt Nam cùng những tư tưởng, lối sống và căn tính họ mang theo (trong đó có sự đa dạng giữa từng người), tôi tìm đến những ghi chép và liên kết trong cuốn sách của PGS. Nhung Tuyết Trần. Tôi mong muốn khám phá các dấu tích lịch sử về việc “là” và “làm” một người phụ nữ Việt, để hiểu hơn về bản thân là một người phụ nữ Việt, hiểu thêm về những người phụ nữ Việt quanh tôi và hiểu về khái niệm “phụ nữ Việt Nam” là một tập thể đa dạng, nơi họ phân kỳ và hội tụ trong những trải nghiệm sống, tư tưởng và căn tính của mình.
Tôi chia sẻ với bạn những điều tôi học trong quá trình khám phá về phụ nữ Việt Nam. Tôi không có ý định thuyết phục bạn tin vào những điều tôi chia sẻ - bởi có bao nhiêu góc nhìn, thì có bấy nhiêu câu chuyện lịch sử.
Tôi cũng đang trong quá trình học hỏi, nên nếu bạn muốn chia sẻ thông tin hay tài liệu nào, tôi sẽ rất biết ơn lòng hào phóng của bạn! Bạn có thể gửi tin nhắn cho tôi hoặc để lại bình luận nhé!
Vì bài viết này khá dài, tôi đính kèm link PDF ở đây để bạn có thể tải xuống đọc. Có thể đọc qua bản PDF sẽ tiện hơn cho bạn so với đọc trên Substack hay email, truy cập tại đây.
Trong bài viết tuần này, tôi sẽ chia sẻ với bạn ghi chép từ phần mở đầu: Vietnamese Women at the Crossroads of Southeast Asia (tạm dịch: Phụ nữ Việt Nam tại những giao lộ Đông Nam Á). (4) Phần mở đầu viết về sự ảnh hưởng của Nho giáo lên cách thức cai trị của các triều đại, trong đó có việc định hình và thanh tra quan hệ giới. Mọi thông tin trong bài đều từ cuốn sách của PGS. Nhung Tuyết Trần, trừ khi có chú thích khác.
Trước khi bàn luận về quan hệ giới qua các triều đại, chúng ta cần suy ngẫm về 3 cách hình ảnh người phụ nữ Việt Nam được khắc họa trong các học liệu. Chúng ta cần hiểu và xây dựng thái độ đúng đắn về cách nhìn phụ nữ Việt, phản tư về nhận thức luận (epistemology) của bản thân khi nhìn phụ nữ Việt, để từ đó, tìm hiểu sâu sắc về phụ nữ Việt từ góc nhìn có hệ thống và giàu tính phản biện.
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT
Dựa trên tư liệu pháp luật, văn học, ghi chép thực địa và dấu tích lịch sử từ thế kỷ 15 đến 18, PGS. Nhung Tuyết Trần lập luận rằng người phụ nữ Việt trong văn học và trí tưởng tượng đại chúng thường được khắc họa qua ba hình tượng: như biểu tượng của (1) áp bức Nho giáo (Khổng giáo), (2) nét văn hóa độc đáo của Việt Nam, và (3) sự tương đồng giữa các nền văn hóa Đông Nam Á.
Khi được khắc họa như biểu tượng của áp bức Nho giáo, người phụ nữ Việt thể hiện sự áp bức ngột ngạt của ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa tại Việt Nam. Ngược lại, nếu được xem như một cá nhân tương đối tự chủ, người phụ nữ Việt trở thành dấu hiệu cho sự sẵn sàng của Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa theo phong cách phương Tây, và là biểu tượng cho sự tương đồng giữa vị thế của người phụ nữ Việt với những người phụ nữ trong các nền văn hóa Đông Nam Á khác. Khi được khắc họa như biểu tượng cho sự độc đáo của văn hóa Việt, hình ảnh người phụ nữ Việt trở thành một phần trong mạch truyện lớn về câu chuyện hình thành Việt Nam, với những phong tục địa phương lệch khỏi khuôn mẫu Nho giáo thể hiện sự kiên cường của văn hóa Việt Nam qua thời kỳ Bắc thuộc (Chinese imperialism).
Hình tượng người phụ nữ Việt qua 3 góc nhìn trên là chỉ dấu quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Cách khắc họa hình tượng người phụ nữ Việt ảnh hưởng đến cách văn hóa Việt Nam được biểu trưng. Nếu phụ nữ Việt trở thành biểu tượng của áp bức Nho giáo, Việt Nam sẽ trở thành một nền văn hóa trực thuộc hoặc chịu sự chi phối của văn hóa Trung Hoa. Nếu họ xuất hiện như những cá nhân tương đối tự chủ, họ sẽ phản ánh sự tương đồng của văn hóa Việt Nam với các nền văn hóa Đông Nam Á, và là tín hiệu cho sự sẵn sàng hiện đại hóa theo phong cách phương Tây. Nếu được phác thảo như những người phụ nữ không tuân theo khuôn mẫu Nho giáo, họ trở thành minh chứng cho sự độc đáo của văn hóa Việt Nam. Sự tái hiện về căn tính lịch sử của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào câu chuyện các học giả lựa chọn để phác thảo hình ảnh người phụ nữ Việt.
Tuy nhiên, quan hệ giới và vị thế của phụ nữ không chỉ là hệ thống ký hiệu và biểu tượng trong tư duy của giới tinh hoa (elitist), mà còn có tác động trực tiếp lên đời sống hàng ngày của phụ nữ và dân chúng. Giới tinh hoa áp đặt những mô hình gắn nghĩa lên hình ảnh người phụ nữ Việt, áp đặt những tuyến truyện đơn nhất mà không thể đại diện cho thực tế đa dạng, phức tạp của họ.
PGS. Nhung Tuyết Trần nhặt nhạnh và bóc tách tư liệu đời sống thực tế của những người phụ nữ Việt cận đại. Bà nghiên cứu và đưa ra những giả thuyết về cách họ ứng phó với hệ thống đạo đức giới (gender morality) của nhà nước thời bấy giờ, cũng như thay đổi về kinh tế và xã hội. Điều kiện kinh tế, cùng với những chiến lược ứng phó của từng cá nhân, định hình cuộc sống của người phụ nữ Việt thời kỳ cận đại - nhiều như bất kỳ ý thức hệ giới (state gender ideology) nào do nhà nước hoặc địa phương áp đặt.
Qua phân tích các tư liệu, PGS. Nhung Tuyết Trần bàn luận về ảnh hưởng của Nho giáo trong cách thức cai trị của các triều đại, bao gồm việc định hình và thanh tra quan hệ giới. Để tìm hiểu thêm về cách PGS. lựa chọn tài liệu nghiên cứu và chất liệu của chúng, bạn có thể đọc ở trang 12 đến 25 trong phần Mở đầu (Introduction) của cuốn sách. (5)
ẢNH HƯỞNG NHO GIÁO
Trong phạm vi bài viết này, Nho giáo được hiểu là một hệ thống nghi lễ và cai trị hình thành từ thời cổ đại. Hệ thống Nho giáo không tuân theo một tập hợp giá trị cố định, mà phản ánh một hệ thống luôn thay đổi, bao gồm những niềm tin và thực hành giới tri thức Việt Nam duy trì, đồng thời điều chỉnh để chúng phù hợp với nhu cầu thời đại và chiến lược cai trị của triều đại.
Từ thế kỷ 15 đến 18, giới tri thức Nho giáo tin rằng một nhà nước ổn định và thịnh vượng cần một triết lý chính trị đề cao lòng trung thành từ thần dân và sự nhân từ của những người cai trị - những ý tưởng trung tâm trong học thuyết của Chu Hi - một nhà Tân Nho giáo (neo-Confucianist) quan trọng của triều đại nhà Tống, Trung Quốc (1127-1279). Một ý tưởng trọng tâm của Chu Hi là nguyên tắc gia đình phải tuân theo trật tự vũ trụ - bởi chính gia đình là đơn vị trung tâm cho ổn định xã hội và sự bền vững của triều đại cai trị.
Cẩm nang Gia lễ (Family rituals) của Chu Hi hướng dẫn cách thức thực hiện nghi lễ tang ma, cúng tế và hôn nhân; khẳng định tầm quan trọng của quan hệ tương hỗ giữa người sống và người đã khuất. (6) Trong trật tự vũ trụ nơi cả người sống và người đã khuất đều tham dự, Hoàng đế được coi như Thiên tử hiện thân, với trách nhiệm gieo trồng đức nhân trong thần dân của mình. Thuận theo ý trời, Hoàng đế phải dạy bảo thần dân tôn kính tổ tiên và đấng linh thiêng.
Các cố vấn triều đình ban hành các quy định phản ánh đạo đức Chu Hi, trong khi giới tri thức truyền bá những giá trị này tới địa phương. Họ khắc giáo lý Tân Nho giáo trên bia đá trước cửa đình làng, ghi chép vào văn bản phép tắc gia đình, sách giáo khoa, truyền miệng qua diễn ngôn và thực hiện trong các nghi lễ - được truyền từ đời này qua đời sau.
Trong Nho giáo, lòng tôn kính không chỉ hướng đến tổ tiên đã khuất mà còn yêu cầu các mối quan hệ gia đình chuẩn mực với người thân còn sống. Gia đình được coi như một tiểu vũ trụ, nơi người nam đứng đầu (gia trưởng) chịu trách nhiệm đảm bảo mỗi thành viên đều thực hiện đúng vai trò của mình trong xã hội. Dưới hệ thống Tân Nho giáo, gia đình trở thành đơn vị nền tảng để kiểm soát trật tự xã hội.
Người chồng (nam trưởng) đại diện gia đình trước triều đình và trong các nghi lễ cúng tế, vì chỉ nam giới mới được chính thức đại diện trong các hoạt động công khai. Trong khi đó, người vợ đảm nhận công việc nội trợ. Với tư cách là thần dân hoàng đế đã “nuôi dưỡng đức nhân”, người chồng phải tuyệt đối trung thành với triều đình, và trong gia đình, người vợ phải chung thủy tuyệt đối với chồng. Sự trung thành của người vợ với chồng liên kết chặt chẽ với lòng trung thành của người chồng đối với triều đình - một mối liên kết mà nếu đứt gãy, sẽ đe dọa trật tự xã hội. Các quan hệ xã hội thứ bậc này là công cụ kiểm soát, giúp duy trì trật tự xã hội, với chế độ một vợ một chồng làm nền tảng, qua đó củng cố cấu trúc quản lý xã hội của triều đình.
Quan lại sử dụng luật hình sự để điều chỉnh hành vi trong gia đình và đạo đức tính dục (sexual morality). Triều đình thiết lập các quy tắc Nho giáo để định hình và giám sát các mối quan hệ gia đình cơ bản: vợ-chồng, cha mẹ-con cái.
Quan niệm về trật tự vũ trụ trong Tân Nho giáo còn giám sát cơ thể phụ nữ - được coi là phương tiện tái tạo đạo đức Nho giáo, theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Theo nghĩa đen, cơ thể phụ nữ nuôi dưỡng và sinh hạ con trai, những người được kỳ vọng sẽ tiếp tục sinh thêm con trai để duy trì dòng họ theo cấu trúc phụ hệ. Theo nghĩa bóng, với tư cách là người cư ngụ trong gia đình (được kỳ vọng không rời khỏi phạm vi gia đình), ngoài công việc nội trợ, phụ nữ được phân công trách nhiệm giáo dục đạo đức con cái, đặc biệt là con gái. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.
Là những người mẹ và người vợ tương lai, các cô con gái cần học đạo đức Nho giáo để sau này dạy bảo con mình hiếu thảo với cha mẹ và tổ tiên, qua đó duy trì trật tự vũ trụ về đạo đức và cấu trúc xã hội.
Với vai trò quan trọng trong việc củng cố chuẩn mực Nho giáo, phụ nữ trở thành trung tâm trong nỗ lực của triều đình nhằm định hình và giám sát các giá trị đạo đức. Triều đình ban hành định kỳ các sắc lệnh, nhấn mạnh quyền lực và uy thế tối cao của người cha (người nam đứng đầu gia đình), đề cao tầm quan trọng của sự kế thừa theo phụ hệ đối với ổn định trật tự xã hội, và xác định các thước đo đạo đức chuẩn mực cho phụ nữ.
Nỗ lực thiết lập trật tự xã hội thông qua quan hệ giới trở nên rõ rệt vào thế kỷ 15, khi giới tri thức triều Lê xây dựng nhà nước quan liêu dựa trên triết lý Tân Nho giáo, đặc biệt dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Nhu cầu kiểm soát hành chính tập trung đã dẫn đến việc triều đình ban hành một loạt các bộ luật và biên niên sử nhằm thiết lập trật tự lên các khía cạnh vật chất và đạo đức của đất nước, trong đó việc xác định các chuẩn mực giới trở thành trọng tâm của quá trình này.
TRIỀU LÊ (1428-1789)
Ghi chú: Nhà Lê trong lịch sử Việt Nam gồm hai giai đoạn chính: Lê Sơ (1428–1527) và Lê Trung hưng (Hậu Lê) (1533–1789), với giai đoạn gián đoạn do nhà Mạc. Nhà Lê Sơ do Lê Lợi lập ra sau khởi nghĩa Lam Sơn đạt thịnh vượng dưới thời vua Lê Thánh Tông với các cải cách hành chính và luật pháp. Năm 1527, Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, lập nên triều đại nhà Mạc (1527–1592). Tuy nhiên, các lực lượng trung thành với nhà Lê tiếp tục kháng chiến, lập nên triều Lê Trung hưng tại Thanh Hóa. Giai đoạn này được gọi là thời Nam-Bắc triều. Năm 1592, quân Lê-Trịnh đánh bại nhà Mạc, phục hồi nhà Lê. Sau khi đánh bại nhà Mạc, nhà Lê Trung hưng tồn tại với sự bảo trợ và quyền lực thực tế nằm trong tay các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài (miền Bắc) , trong khi Đàng Trong (miền Nam) do các chúa Nguyễn cai quản. Triều Lê Hậu chủ yếu mang tính chất tượng trưng cho đến khi sụp đổ hoàn toàn vào năm 1789 khi Tây Sơn lên nắm quyền. (7)
Những nỗ lực thiết lập trật tự xã hội thông qua định hình quan hệ giới trở nên rõ nét vào thế kỷ 15, khi giới tri thức triều Lê thành lập nhà nước quan liêu trên nền tảng triết lý Tân Nho giáo. Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), các nhà cải cách nỗ lực khẳng định vị thế của nhà nước mới qua thiết lập đạo đức Tân Nho giáo, sau giai đoạn đấu tranh căng thẳng giữa giới tri thức - với mong muốn theo đuổi tầm nhìn quan liêu của mình - và các chỉ huy quân sự địa phương - vốn thề trung thành với cha và cộng đồng địa phương của họ. Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, giới tri thức nỗ lực xây dựng nền tảng tài chính bền vững cho nhà nước, hướng tới các mô hình cai trị Tân Nho giáo họ đã tiếp cận trong thời kỳ Trung Quốc chiếm đóng dưới triều Minh (1407-1427).
Trong thời kỳ Trung Quốc chiếm đóng, quan chức Trung Quốc thành lập các học viện truyền bá giáo lý Tân Nho giáo của Chu Hi cho thế hệ trẻ Việt Nam. Nhiều quan lại sau này được nhà Lê đưa vào bộ máy nhà nước có thể đã từng học tại các học viện này. Khi nhận trách nhiệm xây dựng nền móng cho nhà nước mới, họ đã mô phỏng chế độ pháp lý của triều Lê theo bộ luật Đường của Trung Quốc (618-907), nơi triết lý Tân Nho giáo có ảnh hưởng sâu.
Các quy định nhằm hệ thống hóa chuẩn mực giới và quan hệ giới được ban hành vào cuối triều đại vua Lê Thánh Tông, khi ông lấy niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497). Bộ luật Hồng Đức quy chuẩn hệ thống giới qua các quy định, song song với các quy định khác nhằm thiết lập nền tảng tài chính và triết học cho triều đại. Trong các thế kỷ sau, các dòng họ cầm quyền Mạc, Trịnh, và Nguyễn tiếp tục áp dụng và chỉnh sửa các quy định trong Bộ luật Hồng Đức để kiểm soát địa phương và giám sát hành vi chuẩn mực.
Trích Điều 310, Bộ luật Hồng Đức: “Nếu thê thiếp phạm nghĩa tuyệt (không con, dâm đãng…) mà người chồng ẩn nhẫn, chịu đựng không bỏ thì xử biếm, tùy việc nặng nhẹ”. (8)
Cuốn sách của PGS. Nhung Tuyết Trần tìm hiểu cách luật pháp tạo dựng và củng cố hành vi nữ giới chuẩn mực, đồng thời khám phá cách một số phụ nữ xây dựng chủ quyền cho bản thân khi sống trong các cấu trúc giới này. Nội dung này sẽ được thảo luận trong những bài viết tiếp theo.
MẠC (NĂM 1527 - NĂM 1592)
Ghi chú: Triều đại nhà Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung soán ngôi vua Lê Cung Hoàng vào tháng 6 năm 1527, và kết thúc năm 1592 khi quân Lê-Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại. Tổng thời gian tồn tại của triều Mạc là gần 66 năm. Sau đó, hậu duệ nhà Mạc vẫn tiếp tục kháng cự tại khu vực Cao Bằng đến năm 1677. Thời kỳ 1533-1592 còn được gọi là thời kỳ Nam-Bắc triều, với quyền lực của nhà Mạc chỉ thực sự từ Ninh Bình trở ra Bắc, trong khi khu vực từ Thanh Hóa trở vào thuộc về lực lượng phục hồi nhà Lê. (9)
Vào triều nhà Mạc, sau khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, các vị kế vị của ông tìm cách khẳng định quyền uy và năng lực cai trị. Họ ban hành luật lệ củng cố tư tưởng Nho giáo và mở rộng ảnh hưởng của triều đình tới các địa phương.
Quan lại nhà Mạc chỉnh sửa và tái bản Bộ luật Hồng Đức - tuyển tập các sắc lệnh, luật lệ và án lệ, được xem như “cẩm nang quản trị”. Tuyển tập này, ban hành vào khoảng từ năm 1541 đến 1561, lặp lại các quy tắc trong Gia lễ của Chu Hi, đưa ra các quy định xét xử vi phạm về đạo đức tính dục và thiết lập một chế độ sở hữu tài sản dựa trên nguyên tắc kế thừa phụ hệ.
Chủ ý của nhà Mạc không phải là dùng Bộ luật Hồng Đức như một bộ luật tiêu chuẩn từ thời Hồng Đức thịnh trị, mà để thể hiện tầm nhìn riêng về đạo đức phù hợp với thời đại, từ đó khẳng định vị thế cai trị của mình. Họ bổ sung các quy định mới, vẫn theo chuẩn mực Nho giáo, để đáp ứng nhu cầu đương thời.
Tại các vùng đất mới sáp nhập từ lãnh thổ trước kia của người Chăm, nay thuộc tỉnh Quảng An, nhà Mạc truyền bá đạo đức Nho giáo bằng cách dựng tượng đài vinh danh những người phụ nữ tiết hạnh - những người qua đời còn nguyên trinh tiết. Nỗ lực của nhà Mạc trong việc truyền bá tư tưởng Nho giáo phần nào được ghi lại trong tác phẩm du ký thế kỷ 16, Ô Châu Cận Lục.
Một trong những chiến lược khẳng định quyền lực của nhà Mạc là kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng Phật giáo. Giống như triều Lý trước đó (1009–1225) coi Phật giáo là quốc giáo và dựa vào sức ảnh hưởng của tăng đoàn (sangha) để củng cố quyền lực, nhà Mạc thu hút tín đồ Phật giáo Đại thừa (Mahayana Buddhism) bằng cách tự khẳng định là người bảo trợ của tăng đoàn và cộng đồng Phật tử. Các công chúa và phi tần nhà Mạc hiến tặng nhiều đất đai và tiền bạc cho chùa làng. Để ghi nhận lòng hào phóng này, các cộng đồng dựng bia đá tôn vinh đức hạnh của những người phụ nữ đã bảo trợ cho làng xã.
Qua việc bảo trợ của các công chúa và phi tần, nhà Mạc đạt 3 lợi ích. Thứ nhất, điều này thể hiện sự công nhận của triều đình đối với vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống dân chúng. Việc bảo trợ các chùa làng giúp nhà Mạc thể hiện sự tôn trọng tín ngưỡng và phong tục địa phương. Thứ hai, thông qua sự bảo trợ này, nhà Mạc mở rộng ảnh hưởng triều đình tới các khu vực địa phương, thắt chặt mối quan hệ trung ương-địa phương, và củng cố kiểm soát tại các làng xã. Thứ ba, các bia đá tôn vinh công chúa và phi tần nhà Mạc biểu trưng cho hình mẫu đức hạnh nữ giới (female morality) theo cả Nho giáo và Phật giáo, để trẻ em gái và thiếu nữ noi gương, qua đó củng cố hệ tư tưởng giới của triều đình trong cộng đồng địa phương.
TRỊNH-NGUYỄN PHÂN TRANH (1533-1777)
Ghi chú: Trịnh – Nguyễn phân tranh là thời kỳ phân chia lãnh thổ giữa chế độ "vua Lê chúa Trịnh" ở phía Bắc sông Gianh (Đàng Ngoài) và chúa Nguyễn cai trị ở miền Nam (Đàng Trong), mở đầu khi Trịnh Tráng đem quân đánh Nguyễn Phúc Nguyên năm 1627 và kết thúc vào năm 1777 khi chúa Nguyễn sụp đổ. Ban đầu, cả thế lực họ Trịnh và họ Nguyễn đều mang khẩu hiệu "phù Lê diệt Mạc" để lấy lòng thiên hạ và thề trung thành với triều Hậu Lê. Sau khi nhà Mạc đã bị đánh đổ, trên danh nghĩa, cả Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đều là 2 vị bề tôi của nhà Hậu Lê, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài đều là lãnh thổ của nhà Lê. Nhưng trên thực tế thì cả hai gia tộc Trịnh-Nguyễn phong kiến này đều tạo thế lực cho mình như 2 nước riêng biệt, vua nhà Hậu Lê đã không còn thực quyền nên không ngăn chặn được sự phân tranh giữa hai họ Trịnh – Nguyễn. Nước Đại Việt trong giai đoạn này bị chia cắt khoảng 150 năm. (10)
` Trong khi nhà Mạc củng cố quyền lực, họ đối mặt với phe phục hồi nhà Lê, do Nguyễn Kim và Trịnh Kiểm lãnh đạo. Sau nửa thế kỷ tranh đấu, nhà Lê được phục hồi tại Thăng Long vào năm 1593, nhưng quyền lực thực tế thuộc về Trịnh Tùng, người đứng đầu mới của dòng họ Trịnh. Để loại bỏ đối thủ, Trịnh Kiểm phái Nguyễn Hoàng vào Nam làm chỉ huy ở Thuận Hóa năm 1558, vô tình giúp Nguyễn Hoàng xây dựng thực thể riêng tại Đàng Trong. Đến cuối thế kỷ, dòng họ Nguyễn đã mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.
Năm 1592, Trịnh Tùng , với sự hỗ trợ của họ Nguyễn, đã đánh đuổi nhà Mạc khỏi Thăng Long (Hà Nội) và đẩy nhà Mạc về vùng núi Cao Bằng. Hoàng đế Lê trở lại kinh đô vào năm 1593 nhưng chỉ cai trị trên danh nghĩa, trong khi quyền lực thực tế nằm trong tay nhà Trịnh ở Đàng Ngoài cho đến khi triều Lê sụp đổ vào năm 1788. Trong khi đó, nhà Mạc, nhờ sự công nhận chính thức từ triều Minh ở Trung Quốc, tiếp tục duy trì quyền kiểm soát tại vùng núi phía Bắc đến năm 1677.
Sau khi "phục hồi" nhà Lê năm 1593, nhà Trịnh và nhà Nguyễn dùng hệ tư tưởng Nho giáo để thiết lập hệ thống cai trị ở Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhắc dân chúng về chuẩn mực đạo đức giới. Đặc biệt, sắc lệnh năm 1663 dưới thời Cảnh Trị - bao gồm 47 điều khoản về hành vi đúng mực - được niêm yết tại các làng xã. Tương tự nhà Mạc, nhà Trịnh bảo trợ các chùa tại quê hương các phi tần và công chúa để củng cố mối liên hệ trung ương - địa phương. Tuy nhiên, vào thời điểm nhà Trịnh áp dụng chiến lược này, phụ nữ địa phương đã gần một thế kỷ đảm nhiệm vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và tâm linh địa phương do nội chiến kéo dài. Phụ nữ đã xây dựng vị thế trong cộng đồng và gắn kết với lãnh đạo địa phương (sẽ được bàn thêm ở phần sau).
Tại Đàng Trong, vào năm 1627, Phúc Nguyên, con trai Nguyễn Hoàng, từ chối nộp thuế cho chúa Trịnh, dẫn đến các cuộc tấn công từ nhà Trịnh. Cuộc chiến nổ ra giữa 2 nhà Trịnh-Nguyễn và kéo dài gần 50 năm.
Với đàn ông được gọi đi tham gia chiến trường, phụ nữ đảm nhiệm thêm nhiều trách nhiệm trong làng. Ngoài việc chăm sóc gia đình và nuôi con, họ làm đồng và buôn bán - lấp khoảng trống trong lao động do nam giới để lại. Để đảm bảo sinh kế, phụ nữ mở rộng hoạt động kinh tế, như nuôi tằm lấy tơ. Thời kỳ kinh tế khó khăn cũng mang đến cơ hội khi nhu cầu về tơ lụa Việt Nam tăng cao nhờ thương mại phát triển ở đồng bằng sông Hồng và sự quan tâm từ thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, sự khởi sắc này chỉ duy trì đến cuối thế kỷ 17, khi kinh tế miền Bắc bắt đầu suy thoái. Khi đó, ở Đàng Trong, nhà Nguyễn khuyến khích giao thương trong mạng lưới Đông Nam Á, thu hút thương nhân từ Bồ Đào Nha, Pháp, và Tây Ban Nha. Thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ ở Đàng Trong trùng với “Kỷ nguyên Thương mại” của Đông Nam Á. Tuy nhiên, suy thoái vào cuối thế kỷ 17 đã bộc lộ những yếu kém trong hệ thống chính trị của nhà Nguyễn, vốn phụ thuộc nặng nề vào sức lao động quân sự. Mặc dù chiến sự giữa hai gia tộc chấm dứt năm 1672, hậu quả lâu dài của chiến tranh và sự suy giảm kinh tế vẫn ảnh hưởng nặng nề đến các cộng đồng địa phương, đặc biệt là phụ nữ, những người gánh vác phần lớn gánh nặng kinh tế trong suốt thời kỳ này.
Dù vậy, cuộc nội chiến cũng mang lại lợi ích kinh tế cho phụ nữ. Ví dụ, phụ nữ ở Đàng Ngoài đảm nhiệm và hưởng lợi từ công việc sản xuất của gia đình - từ trồng trọt, thu hoạch lúa đến buôn bán sản phẩm phụ, nhờ đó tích lũy được vốn riêng.
Ngoài ra, tỷ lệ tử vong cao trong cuộc nội chiến cũng mở ra khả năng thừa kế tài sản cho con gái khi không còn anh em trai. Luật thời bấy giờ quy định rằng, nếu không có con trai, con gái sẽ thừa kế tài sản. Để bảo vệ tài sản và số vốn mới tích lũy được khỏi những tập tục xã hội ưu tiên nam giới, phụ nữ tìm đến sự hỗ trợ của các lãnh đạo địa phương.
Tỷ lệ tử vong cao trong các trận chiến cũng khiến nảy sinh lo âu trong dân chúng thời bấy giờ. Quan niệm và lối sống tâm linh thời ấy khiến người dân lo sợ những linh hồn chết oan trong trận chiến, nếu không được an táng, sẽ trở thành vong hồn vất vưởng gây rối loạn và xui xẻo cho người trần. Bối cảnh xã hội và tâm linh, với nhu cầu lớn trong cộng đồng về việc an táng và xoa dịu các linh hồn, đã tạo ra cơ hội để những người phụ nữ, giờ đây nắm trong tay tài sản tích lũy, đóng góp vào đời sống tâm linh địa phương. Qua đó, phụ nữ củng cố vị thế của mình trong cộng đồng.
Ngoài ra, khi làng xã huy động kinh phí để tái thiết đường xá, đê điều, cầu cống và chợ búa, phụ nữ địa phương đã đóng góp tiền bạc cho các công trình này. Để đền đáp lòng hào phóng của họ, cộng đồng địa phương cam kết duy trì các nghi lễ thờ cúng tổ tiên cho gia đình họ, như một hình thức bảo trợ tâm linh. Những cam kết này được công khai khắc trên các bia đá lớn đặt trước chùa, nhà thờ họ, chợ và các cây cầu.
Thay vì để những người nối dõi nam thực hiện các nghi lễ, cộng đồng địa phương chịu trách nhiệm thờ cúng. Dù điều này hiếm gặp vào thế kỷ 15, tập tục này trở nên phổ biến hơn vào các thế kỷ 17 và 18. Đến thế kỷ 20, việc cộng đồng đảm nhận trách nhiệm thờ cúng cho các nữ bảo trợ trở thành tập quán phổ biến trong xã hội miền Bắc Việt Nam, được thể hiện qua số lượng bia đá ghi nhận hiến tặng còn lưu giữ đến ngày nay.
Cam kết này được thể hiện qua nghi thức “bầu hậu thần” hay “bầu hậu Phật” - các lãnh đạo làng “bầu chọn” những nhà bảo trợ vào vị trí tâm linh ngay dưới các vị thần hộ mệnh hoặc Bồ Tát. Trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, Bồ Tát là người đã đạt giác ngộ, nhưng chọn ở lại thế gian để giúp chúng sinh giác ngộ. Trong một số trường hợp, những nhà bảo trợ được tạc tượng như Bồ Tát và được vinh danh ngay sau nghi lễ dành cho các nhân vật tâm linh quan trọng, qua đó khẳng định vị thế của phụ nữ trong cấu trúc xã hội địa phương.
Dù phụ nữ đối mặt với áp lực từ hệ tư tưởng giới của triều đình, nỗi bất an về linh hồn vất vưởng và sự thiếu thốn kinh tế đã tạo điều kiện cho phụ nữ triển khai các chiến lược khẳng định tầm quan trọng của mình trong cộng đồng địa phương, để đáp ứng cả nhu cầu trần thế và tâm linh của bản thân họ. Họ đóng góp cho cộng đồng, nhận lại lời hứa rằng linh hồn họ sẽ được cúng tế mãi mãi. Qua việc sử dụng gia sản, họ không chỉ tạo dựng quyền lực không chính thức trong đời sống địa phương mà còn đảm bảo sự an yên tâm linh cho tổ tiên, bản thân, họ hàng, và con cháu.
Khi nhận thấy ảnh hưởng của trung ương tại địa phương suy giảm, tầng lớp cai trị quy nguyên nhân cho quyền lực ngày càng tăng của phụ nữ trong làng xã. Để khôi phục quyền lực, họ tái khẳng định các chuẩn mực Nho giáo, đặc biệt nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa đạo đức gia đình và trật tự xã hội. Nhiều chuẩn mực Nho giáo trong số này coi đạo đức nữ giới là cốt yếu trong việc khôi phục trật tự xã hội.
Tầng lớp cai trị gia tăng cải cách đạo đức giới và mở rộng ảnh hưởng đến các vùng địa phương. Giới tinh hoa chính trị tái khẳng định đạo đức Tân Nho giáo, nhắm vào quyền lực mới mà phụ nữ đạt được. Sự ảnh hưởng ngày càng lớn của phụ nữ trong đời sống kinh tế và tâm linh, cùng nỗ lực kiểm soát từ quan chức, cho thấy giới tính không chỉ là lăng kính để quan sát những thay đổi xã hội và văn hóa, mà còn là trung tâm trong mối quan hệ giữa cá nhân và các cấu trúc quyền lực trong xã hội Việt Nam thời cận đại. Điều này cũng gợi ý rằng chiến lược cá nhân của phụ nữ không chỉ là cơ chế kháng cự lại ý thức hệ giới của nhà nước mà còn, theo thời gian, góp phần tạo nên các chuẩn mực văn hóa mới.
TỔNG QUAN: NỘI CHIẾN TỪ THẾ KỶ 15 ĐẾN THẾ KỶ 18
Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, bốn dòng họ trị vì – Lê (1428-1788), Mạc (1527-1592), Trịnh (1533-1783), và Nguyễn (1558-1778) – đều tuyên bố chủ quyền tại các khu vực khác nhau trên lãnh thổ ngày nay gọi là Việt Nam. Khi nội chiến nổ ra, tầng lớp cai trị của mỗi chính quyền tối đa hóa việc khai thác sức lao động và binh dịch, thuế má, cũng như sản vật từ dân chúng dưới quyền kiểm soát trực tiếp của họ. Thời bấy giờ, mọi tài sản và đất đai của dân đều được coi là thuộc về vị vua cai trị lãnh thổ đó, khiến mọi lao động trở thành nghĩa vụ và không công. Việc bị triệu đi lính hay phải nộp tài sản cho triều đình là đương nhiên. Quan lại có quyền đến thu giữ đất đai và của cải - tất cả đều được coi là tài sản của vua.
Các tầng lớp cai trị tăng yêu cầu từ dân nhưng cắt giảm dịch vụ công, khiến hạ tầng đường sá, cầu cống, chợ búa xuống cấp. Trong tình thế thiếu hỗ trợ từ chính quyền, đối mặt với thiên tai và quân cướp bóc, các lãnh đạo địa phương phải huy động tài nguyên từ cộng đồng để giải quyết vấn đề cấp bách.
Nội chiến và xã hội quân sự hóa đặt gánh nặng lên vai phụ nữ, nhưng cũng tạo cơ hội cho họ gia tăng quyền tự chủ trong thương mại và quản lý gia sản. Phụ nữ không chỉ đảm nhiệm sản xuất nông nghiệp mà còn đóng góp tài chính để tái thiết hạ tầng, từ đó củng cố vị thế và đạt sự công nhận trong cộng đồng.
LỜI KẾT
Nhìn chung, Nho giáo ảnh hưởng sâu rộng đến việc định hình chuẩn mực giới và quan hệ giới trong các triều đại. Ở mỗi thời kỳ, các chuẩn mực và quan hệ giới được biểu hiện khác nhau. Ví dụ, vào thời Mạc, đạo đức Nho giáo hòa nhập cùng giá trị Phật giáo, tạo nên những chuẩn mực giới đặc thù trong thời đại này.
Dù biến đổi qua các thời kỳ, ý thức hệ giới của nhà nước luôn tác động mạnh mẽ lên cấu trúc xã hội, tư duy, văn hóa và tâm thức thời đại, đặc biệt trong việc định hình và giám sát đời sống gia đình, địa phương và vị thế của phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam thời cận đại không chỉ là nạn nhân của các hệ thống quyền lực, họ đã triển khai những chiến lược khẳng định vị thế và tạo dựng chủ quyền dựa trên bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa và tâm linh thời đại.
Nhưng cuộc thảo luận về vị thế và trải nghiệm của phụ nữ Việt Nam thời cận đại không chỉ đơn giản là cuộc đối đầu giữa áp bức hệ thống và chủ quyền cá nhân, mà phức tạp hơn vậy. Trải nghiệm của họ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi bối cảnh thời đại và cách họ xây dựng cuộc sống riêng, trong đó có sự đa dạng giữa từng nhóm phụ nữ, giữa từng người phụ nữ.
Một số câu hỏi tiếp theo để mở đề cho cuộc thảo luận về vị thế và trải nghiệm của phụ nữ Việt Nam thời cận đại là: liệu trong những hành động giành lấy chủ quyền có sự hiện diện của áp bức hệ thống? Ý thức hệ nào đã đòi hỏi phụ nữ bảo trợ cho cộng đồng hay phải có giá trị kinh tế để được tôn trọng? Điều kiện gì giúp họ tạo dựng chủ quyền trong bối cảnh nhiều chi phối từ hệ thống? Liệu địa phương, gia đình hay giai cấp của họ có ảnh hưởng đến trải nghiệm sống của họ không?
Khi nói về phụ nữ Việt cận đại, chúng ta đang đề cập đến một nhóm đa dạng về cộng đồng, địa phương, giai cấp, và thời đại. Không có duy nhất một kiểu mẫu nào cho trải nghiệm của họ, cũng như không có chỉ một dạng chủ quyền hay chỉ một hình thức áp bức hệ thống.
Tôi mong muốn được tìm hiểu sâu hơn về trải nghiệm đa dạng của những người phụ nữ Việt cận đại qua những chương tiếp theo của cuốn Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463-1778 của PGS. Nhung Tuyết Trần.
Trên đây là những ghi chép của tôi từ phần khởi đầu. Như đã nói, tất cả thông tin đều được lấy từ phần mở đầu của cuốn sách, trừ khi có ghi chú khác. Nếu bạn có tư liệu nào, tôi sẽ rất biết ơn nếu bạn có thể chia sẻ với tôi.Hẹn gặp các bạn trong những bài viết tiếp theo!
THAM KHẢO
Introduction: Vietnamese Women at the Crossroads of Southeast Asia. (trang 1-25) Trong Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463-1778 (2018), Nhung Tuyết Trần.
Sources, trong Introduction: Vietnamese Women at the Crossroads of Southeast Asia. (trang 1-25) Trong Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463-1778 (2018), Nhung Tuyết Trần.
Ebrey, Chu Hsi's Family Rituals, xv and xxvi. (Được trích dẫn là nguồn 18, trong phần Mở đầu, trong Familial Properties: Gender, State, and Society in Early Modern Vietnam, 1463-1778 (2018), Nhung Tuyết Trần.